Giá trị doanh nghiệp (Enterprise Value – EV) là gì?
Enterprise Value (EV) là một trong những chỉ số tài chính quan trọng giúp nhà đầu tư đánh giá giá trị thực tế của một doanh nghiệp.
- EV giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện hơn về cái giá phải trả để mua lại một doanh nghiệp và làm sạch nó
- Nếu 2 doanh nghiệp mà vốn hoá bằng nhau thì thằng nào có EV thấp hơn thì giá mua nên thấp hơn
Định nghĩa và công thức
EV phản ánh tổng giá trị của doanh nghiệp bao gồm cả nợ và vốn chủ sở hữu. Công thức tính Enterprise Value như sau:
Enterprise Value = Market Capitalization+ Total Debt – Cash and Cash Equivalents
Trong đó:
- Market Capitalization (Vốn hóa thị trường): Được tính bằng cách nhân giá cổ phiếu hiện tại với tổng số cổ phiếu đang lưu hành (Share Price * Total Shares Outstanding). Một số tài liệu thì có tính thêm cả phần cổ phiếu ưu đãi, quyền chọn,… Nhưng thôi, để đơn giản thì bỏ qua mấy cái đó.
- Total Debt (Tổng nợ): Bao gồm tất cả các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp.
- Cash and Cash Equivalents (Tiền mặt và các khoản tương đương tiền): Là các khoản tiền mặt hoặc tài sản có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt.
Những hiểu nhầm
Đến đây, một câu hỏi loé lên:
Thế quái nào “Giá trị doanh nghiệp” lại cộng cả nợ???
Thế chẳng nhẽ nợ càng nhiều thì giá trị doanh nghiệp càng cao? Sau một hồi tìm hiểu thì mình thấy rằng vấn đề nằm ở chỗ mình đang vướng ở 2 từ “giá trị”. Đáng nhẽ ra, EV nên được đọc đầy đủ là: Tôi sẽ phải bỏ ra bao nhiêu tiền để mua cái doanh nghiệp chết tiệt này mà không phải sợ thằng chủ nợ nào đến tìm trong tương lai? EV không phản ánh giá trị “tốt” hay “xấu” của một doanh nghiệp.
Như vậy thì, nếu 2 doanh nghiệp có vốn hoá bằng nhau nhưng cơ cấu nợ, tiền mặt khác nhau thì chắc chắn chúng nó không thể có giá trị thực sự như nhau được.
Ví dụ
Giả sử hai công ty A và B có cùng mức vốn hóa thị trường là 100 triệu USD, nhưng:
- Công ty A có nợ là 50 triệu USD và tiền mặt là 10 triệu USD.
- Công ty B không có nợ và cũng không có tiền mặt.
Nếu chỉ so sánh vốn hóa thị trường, ta sẽ thấy hai công ty có giá trị như nhau. Tuy nhiên, khi tính EV:
- Công ty A: EV = 100 + 50 – 10 = 140 triệu USD
- Công ty B: EV = 100 + 0 – 0 = 100 triệu USD
Như vậy, EV của công ty A là 140 triệu USD và EV của công ty B là 100 triệu USD. Sự khác biệt này phản ánh rằng khi mua công ty A, người mua không chỉ phải trả 100 triệu USD cho vốn chủ sở hữu mà còn phải gánh chịu thêm 50 triệu USD nợ, đồng thời được trừ đi 10 triệu USD tiền mặt. Điều này giúp người mua và nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện hơn về giá trị thực tế và chi phí mua lại của mỗi doanh nghiệp.
Kết luận ở đây là, nếu 2 doanh nghiệp mà vốn hoá bằng nhau thì thằng nào có EV thấp hơn thì giá mua thấp hơn.
Ý nghĩa của Enterprise Value
Tóm cái quần lại thì, mình không thích hiểu Value là “giá trị” và EV thì có 3 cái ý nghĩa sau:
- Đánh giá toàn diện: EV giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện hơn về cái giá phải trả để mua lại một doanh nghiệp và làm sạch nó so với chỉ sử dụng mỗi Market Capitalization.
- So sánh chính xác hơn: Khi so sánh EV giữa các công ty khác nhau, nhà đầu tư có thể đánh giá công ty nào có giá trị thực sự tốt hơn mà không bị ảnh hưởng bởi cơ cấu nợ.
- M&A (Mua bán và sáp nhập): EV là chỉ số quan trọng trong các thương vụ M&A, giúp xác định giá trị mua lại của một doanh nghiệp.
Phân loại các Lĩnh vực & Ngành kinh tế
Phân loại các ngành kinh tế là một quá trình sắp xếp các ngành kinh doanh vào các nhóm khác nhau dựa trên tính chất hoạt động kinh doanh của chúng.
How, Why and more...
Khám phá cách mọi thứ vận hành, lý do đằng sau mỗi hiện tượng, và những điều thú vị hơn thế nữa