Chuyện về The Moshav Farm – Kỳ 1 - NGHÈO

Cái ngày chúng tôi đến, cả thôn không có ngôi nhà nào 2 tầng. Tôi đã chứng kiến có gia đình, người cha phải tự tử sau khi nghe bác sĩ đọc bệnh án, vì không có tiền điều trị.
Trịnh Ngọc Khiêm Trịnh Ngọc Khiêm·

Cái ngày chúng tôi đến, cả thôn không có ngôi nhà nào 2 tầng. Tôi đã chứng kiến có gia đình, người cha phải tự tử sau khi nghe bác sĩ đọc bệnh án, vì không có tiền điều trị. Câu chuyện về sự ra đi đó lại có vẻ chẳng bất ngờ gì với dân làng, dường như ông không phải là người đầu tiên ở đây làm vậy.

Ở vùng đất chúng tôi khởi nghiệp, có tới 80% hộ gia đình sống bằng nghề nông. Đa phần trong số họ – những người khai hoang thế hệ đầu cũng đã ngấp nghé sáu bảy mươi, không còn đủ thiết tha cho những dự định mới. Những người con đến tuổi lao động thì không muốn gắn bó với cây mía, với ruộng vườn, họ tìm những chốn đô thị phồn hoa hơn để lập nghiệp. Bọn trẻ con thì còn quá mơ hồ về tương lai.

Tôi nhớ, tối tối, Zép và Tim quy tụ được 1 nhóm trẻ con gần nhà để dạy học. Trong nhóm, độ tuổi rất đa dạng nhưng tôi nhớ nhất là thằng Bi lớp 5, con Nhung lớp 7. Nếu nhìn vẻ bề ngoài thì thật khó mà phân biệt được đứa nào lớp mấy (ốm còi như nhau), trình độ học vấn cũng ngang nhau, đều mới chỉ biết làm đến phép tính cộng trừ đơn giản. Lớp học của chúng tôi chỉ duy trì được vài tuần. Bố mẹ chúng cần chúng ở nhà để phụ giúp việc gia đình. Ngày chúng nó tới vòng tay thưa với chúng tôi xin phép nghỉ học, mắt đứa nào đứa nấy đỏ hoe. Chúng tôi hiểu và cũng chưa biết làm gì hơn.

Chuyện về The Moshav Farm – Kỳ 1 - NGHÈO

Thằng Bi nó thích nhất là hộp chì màu của anh Tim, lần nào qua học cũng ngắm nhìn và mượn vài cái để tô vẽ. Bộ chì màu như vậy chính là khát khao lớn nhất của nó. Kể từ ngày lớp học nghỉ, các bức tranh của nó lại trở về với tông màu trắng đen. Còn Nhung thì mong rằng được đi học nhiều như các bạn, không bị bố mẹ bắt ở nhà chăn bò. Với Nhung, nhà giàu là nhà có 2 tầng, ước mơ là được 1 lần leo lên tầng 2 nhìn xuống.

Mọi người hay nói: trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Tôi tự hỏi, nếu câu đó đúng thì tương lai của cái nơi này sẽ ra sao?

Nếu như không có những nhân tố mới, tôi không biết rằng phải qua bao thế hệ như Bi và Nhung thì nơi này mới có nhà 2 tầng, những đứa trẻ mới có một bộ chì màu?

Chúng ta vẫn tự hào rằng nước ta là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Song điểm quan trọng là câu chuyện “tăng trưởng bao trùm” – tức tất cả mọi người được hưởng lợi từ thành quả đó. Ở vùng sâu vùng xa tít tắp như nơi chúng tôi đang ở, vẫn có 1 nhóm người không biết thế giới bên ngoài. Internet chưa đến, tôi vẫn đang phải sử dụng 3G để viết những bài này.

Những người trẻ như chúng tôi, sinh ra trong điều kiện tốt hơn, chứng kiến lũ nhỏ điều kiện không bằng mình ngày xưa trong lòng không khỏi xót xa. Nghĩ vậy, trong lòng tôi lúc nào cũng suy tư về hai chữ trách nhiệm. Ngày ấy, Farm chưa có tên – cũng đồng nghĩa với việc mục tiêu chưa rõ ràng. Con đường làm giàu từ nông nghiệp nếu đi theo cách mà chúng ta đang làm – cách mà chúng tôi bắt đầu, chắc chắn vẫn sẽ đem lại kết quả. Nhưng nếu chỉ làm vì thu nhập thì quả là uổng phí cuộc đời, uổng phí những sự hy sinh quá lớn. Chúng tôi cần một con đường khác, con đường mà trên đó, những ước mơ, khát khao, nhiệt huyết được thoả trí vẫy vùng.

Và đi cùng những ước mơ lớn đó, phải có những ước mơ nho nhỏ trên kia.

Người ta ví tốc độ bay của đàn chim phụ thuộc vào con chim bay sau cùng. Tốc độ bay của nền kinh tế cũng thế, nó phụ thuộc vào sự cải thiện sinh kế cho nhóm người yếu nhất, và ở những vùng xa xôi.

Và như vậy, chuyện của chúng tôi đã không chỉ là chuyện của những người trẻ đam mê nông nghiệp, nó là câu chuyện sẽ luôn luôn đi cùng với vấn đề kinh tế và trách nhiệm cộng đồng. Đúng là ngày đó chúng tôi chỉ có được cái đầu tiên. Dẫu vậy, chúng tôi đã luôn tin vào tương lai, một đức tin son sắt. Con đường sắp tới sẽ ra sao, các mô hình của đất nước mình phát huy được gì, thế giới đang ở đâu? Chúng tôi có thể làm gì để tăng tốc độ bay của những cánh chim cuối đàn?

Ngồi nhà không thể biết được. Chúng tôi biết mình phải đi. Trước mắt, là mua một hộp bút chì màu cho những thằng Bi. Và tôi biết khi nhận quà, nó sẽ bất ngờ và sung sướng tột bậc.

Người vá trời lấp bể
Kẻ đắp lũy xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh.

Roark
P/s: Kỳ 2 – Lý tưởng
Chia sẻ:

Đăng ký nhận tin tức

Luôn cập nhật những bài viết mới nhất, các tài liệu từ tôi.