Những nguyên tắc để đầu tư cổ phiếu thành công

Mô tả bài viết ở đây...

Rất ít nhà đầu tư – kể cả những những nhà quản lý quỹ, những nhà đầu tư lâu năm – có thể trình bày một cách rõ ràng triết lý đầu tư của họ!

Trong các cuộc họp thường niên của Berkshire Hathaway – công ty do tỷ phú đầu tư Warren Buffett điều hành – luôn có một vài cổ đông phàn nàn rằng họ sẽ không tham dự thêm một cuộc họp nào như này nữa vì “Buffett đều nói điều tương tự mỗi năm.” Chẳng khó dự đoán rằng những điều tương tự ấy sẽ còn được ngài Buffett lặp lại trong những năm sắp tới. Đối với tôi, đó là toàn bộ minh chứng của việc có một triết lý đầu tư và gắn bó với nó. Kết quả đầu tư vượt trội và bền vững có thể chưa đến ngay với những ai xây dựng được cho mình triết lý riêng, tuân thủ các nguyên tắc, kiên nhẫn và tách mình khỏi quan điểm của đám đông; nhưng chắc chắn rằng khi để cảm xúc chi phối, mạo hiểm với những quyết định ngoài phạm vi năng lực của mình và bắt đầu đi chệch khỏi triết lý đầu tư cá nhân, chúng ta sẽ đối mặt rắc rối lớn. Việc xây dựng và tuân thủ những triết lý, nguyên tắc đầu tư của bản thân là vô cùng quan trọng!

Nội dung chính

  • Đầu tư thành công phụ thuộc vào kỷ luật cá nhân, không phụ thuộc vào việc đám đông đồng ý hay không đồng ý với bạn. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải có một triết lý đầu tư vững chắc và có cơ sở.
  • Đừng mua cổ phiếu trừ khi bạn hiểu rõ công việc kinh doanh từ trong ra ngoài. Dành thời gian để điều tra, nghiên cứu một công ty trước khi mua cổ phiếu sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm lớn nhất.
  • Tập trung vào các công ty có con hào kinh tế rộng giúp họ chống lại các đối thủ cạnh tranh. Nếu bạn có thể xác định lý do tại sao một công ty có thể bỏ xa các đối thủ cạnh tranh và liên tục tạo ra lợi nhuận trên mức trung bình, bạn đã xác định được nguồn gốc con hào kinh tế của công ty đó.
  • Đừng mua cổ phiếu mà không có biên an toàn.
  • Chi phí giao dịch thường xuyên có thể là một lực cản rất lớn đối với hiệu suất theo thời gian.
  • Biết khi nào nên bán và phải bán. Đừng bán chỉ vì giá tăng hoặc giảm, nhưng hãy suy nghĩ nghiêm túc nếu một trong những điều sau đây xảy ra: Bạn đã mắc sai lầm khi mua nó ngay từ đầu, các nền tảng cơ bản đã xấu đi, cổ phiếu tăng quá cao so với giá trị nội tại của nó, bạn có thể tìm thấy những cơ hội tốt hơn hoặc nó chiếm quá nhiều tỷ trọng trong danh mục đầu tư của bạn.

1. Phải luôn chịu khó “làm bài tập”

Nghe có vẻ ngạc nhiên, nhưng có lẽ sai lầm phổ biến nhất mà các nhà đầu tư mắc phải là không tìm hiểu kỹ các cổ phiếu mà họ mua. Trừ khi bạn biết rõ về công việc kinh doanh của một công ty, bạn không nên mua cổ phiếu của công ty đó.

Ý thức rõ ràng rằng bạn đang đặt tiền của mình vào rủi ro, bạn phải biết chính xác mình đang mua cái gì. Quan trọng hơn, đầu tư có nhiều vùng tối, vì vậy bạn không thể chỉ nghe lời người khác rằng “đó là một khoản đầu tư hấp dẫn”. Bạn phải có khả năng tự quyết định, vì cổ phiếu đang tăng trưởng nóng đồng nghĩa với việc luôn có những người đến trước bạn, đang vẽ ra những bức tranh màu hồng, chỉ chờ đợi cơ hội để bán cho bạn.

Vậy chính xác là bạn cần nghiên cứu những gì?

  • Loại hình doanh nghiệp, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động để từ đó hiểu được đặc điểm tài chính của nó. Tôi xin nhắc lại là hiểu được đặc điểm tài chính của doanh nghiệp là bắt buộc, nó giống như trong việc chụp ảnh, bạn hiểu được đối tượng chụp là gì thì sẽ có sự thay đổi ống kính, thông số chụp cho tối ưu nhất.
  • Năng lực quản lý, tầm nhìn và đạo đức của bộ máy lãnh đạo. Mua cổ phiếu cũng là mua doanh nghiệp. Chúng ta phải giao tiền cho những người chúng ta hiểu rõ để đảm bảo rằng (1) họ sử dụng đồng tiền đó đúng mục đích và hiệu quả, (2) họ không chơi xấu cổ đông.
  • Bạn cần biết được công ty đang muốn đi về đâu, những yếu tố nào giúp công ty đạt mục tiêu, những viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra với doanh nghiệp này.
  • Với mục tiêu rõ ràng kết hợp với các công cụ, việc tiếp theo cần làm là phải ngồi xuống và đọc báo cáo hàng năm để bao quát, kiểm tra các đối thủ cạnh tranh trong ngành và xem qua các báo cáo tài chính trong quá khứ. Không chỉ vậy, thăm thú các cơ sở kinh doanh, trực tiếp trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ và lắng nghe khách hàng, người nội bộ đối thủ cạnh tranh nói về công ty sẽ cho chúng ta có cái nhìn thực tế hơn. Điều này có thể khó thực hiện, đặc biệt nếu bạn bị thúc ép về thời gian, nhưng dành thời gian để điều tra một cách khôn ngoan về một công ty sẽ giúp bạn tránh được nhiều khoản đầu tư kém hiệu quả.

“Bạn sẽ trở nên rất giàu có nếu bạn nghĩ rằng bản thân mình đang sở hữu một tấm thẻ với chỉ 20 lượt bấm lỗ trong cả cuộc đời và tất cả các quyết định tài chính đã sử dụng ứng với một lượt đục lỗ. Bạn sẽ muốn chống lại sự cám dỗ nhằm học đòi. Bạn sẽ đưa ra quyết định tốt hơn và có những quyết định lớn hơn.” – Warren Buffett

Hãy coi thời gian bạn dành cho nghiên cứu là một khoảng thời gian “hạ nhiệt”. Chúng ta thường bị lôi cuốn bởi những khoản đầu tư nghe có vẻ hấp dẫn và luôn có áp lực phải hành động ngay – trước khi giá chạy. Đó là sự liều lĩnh, không phải quyết đoán. Rồi thì chắc chắn bạn sẽ khám phá ra những sự thật khiến khoản đầu tư sẽ có vẻ kém hấp dẫn hơn. Nhưng nếu đó thực sự là một món hời và bạn thực sự là một nhà đầu tư dài hạn, việc bỏ lỡ một vài % tăng giá đầu tiên sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn trong hiệu suất tổng thể của danh mục đầu tư, chưa kể khoảng thời gian hạ nhiệt có thể sẽ giúp bạn tránh được một số khoản đầu tư thua lỗ.

2. Tìm kiếm những công ty có lợi thế cạnh tranh mạnh và bền vững (con hào kinh tế)

Điều gì ngăn cách một công ty tồi với một công ty tốt? Hay một công ty tốt với một công ty vĩ đại?

Phần lớn, đó là quy mô của con hào kinh tế mà một công ty xây dựng xung quanh mình. Thuật ngữ con hào kinh tế được sử dụng để mô tả lợi thế cạnh tranh của một công ty – giống như cách mà một con hào ngăn chặn những kẻ xâm lược các lâu đài thời trung cổ, một con hào kinh tế ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh giành lấy lợi nhuận của công ty.

Trong bất kỳ nền kinh tế cạnh tranh nào, vốn luôn có xu hướng chảy vào các lĩnh vực mang lại lợi nhuận kỳ vọng cao nhất. Kết quả là, luôn có các công ty mới được tạo ra hoặc các công ty đang có nhận được thêm sự đầu tư để cạnh tranh miếng bánh béo bở trên thị trường, trong môi trường đó, lợi nhuận của hầu hết các công ty top 1 thường có xu hướng giảm theo thời gian về mức trung bình. Điều này có nghĩa là hầu hết các công ty có lợi nhuận cao có xu hướng trở nên ít lợi nhuận hơn khi các công ty khác cạnh tranh với họ.

Lợi thế cạnh tranh cho phép một số lượng tương đối nhỏ các công ty duy trì mức lợi nhuận trên mức trung bình trong nhiều năm và những công ty này thường là những khoản đầu tư dài hạn ưu việt nhất.

Con hào kinh tế theo nghĩa hiểu đó là cực kỳ quan trọng và như Buffett, huyền thoại đầu tư, đã nói: “Hãy mua một doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh và dễ hiểu để những thằng khờ cũng có thể điều hành.”

3. Luôn có biên an toàn

Tìm kiếm những công ty tuyệt vời chỉ là một nửa của quá trình đầu tư – nửa còn lại là đánh giá giá trị của công ty. Bạn không thể cứ lên sàn và trả bất cứ giá nào thị trường yêu cầu cho cổ phiếu mình yêu thích vì (1) thị trường có thể đang định giá quá cao, và (2) với mức giá quá cao, lợi nhuận đầu tư của bạn sẽ còn rất ít (nếu không nói là có nguy cơ cao bị lỗ).

Mục tiêu của bất kỳ nhà đầu tư nào là mua cổ phiếu với giá thấp hơn giá trị thực sự của chúng. Thật không may, chúng ta dễ bị quá lạc quan về những gì chúng ta yêu thích và sẵn sàng “chi” nhiều hơn vì cảm xúc đó, nhưng thực tế thì tương lai luôn luôn nằm ngoài phạm vi dự đoán của tất cả mọi người. Để bù đắp cho xu hướng toàn con người này chỉ có cách mua cổ phiếu khi chúng đang giao dịch với giá thấp hơn đáng kể so với ước tính của chúng ta về những gì chúng đáng giá. Chênh lệch giữa giá thị trường và giá trị ước tính của chúng ta chính là biên an toàn.

Có vài điểu chúng ta cần lưu ý khi dùng biên an toàn:

  • Biên an toàn không phải là một con số cố định. Khi bối cảnh thị trường thay đổi chúng ta cũng sẽ phải điều chỉnh sẽ các mức an toàn.
  • Không có con số chung cho mọi công ty.
  • Muốn tính được biên an toàn thì chúng ta phải định giá được doanh nghiệp

Một trong những khó khăn khi tuân thủ biên an toàn chính là sự khó chịu về cảm xúc. Chúng ta thường bị nôn nóng và sợ bỏ lỡ cơ hội. Và tâm lý là kẻ thù số một của thành công. Nếu chúng ta đủ kiên nhẫn, và có một tầm nhìn dài, chúng ta sẽ thấy rằng đa số mọi thứ đều sẽ có những lúc bị bán rất rẻ.

Một cách đơn giản để biết được định giá của một cổ phiếu là xem xét tỷ lệ P/E trong lịch sử của nó. Nếu một cổ phiếu hiện đang giao dịch với P/E là 30 và phạm vi P/E của nó trong 10 năm qua là từ 15 đến 33, tình hình công ty không có một sự thay đổi mạnh mẽ nào, rõ ràng là nó đang ở vùng “đắt” nhất lịch sử.

4. Nắm giữ đủ dài

Tranh luận đúng sai, nên hay không nên của việc trading và đầu tư luôn mất nhiều thời gian và theo tôi là không cần thiết. Bạn chỉ cần xác định được bạn phù hợp với trường phái nào và làm tốt nhất những nguyên tắc của trường phái đó. Bạn là nhà đầu tư thì đừng quên rằng mua cổ phiếu cũng là mua doanh nghiệp. Không một doanh nghiệp nào có thể làm ra lợi nhuận khuếch xù cho chủ sở hữu chúng chỉ trong nháy mắt. Vì vậy hãy kiên nhẫn với khoản đầu tư của mình.

Bạn sẽ không mua và bán xe hơi, tủ lạnh hoặc ngôi nhà của mình 50 lần một năm. Hơn nữa, bạn càng giao dịch ít thì xác suất đưa ra những quyết định sai của bạn càng thấp và chi phí cho khoản đầu tư càng giảm.

5. Biết khi nào nên bán

Về lý thuyết, nắm giữ một công ty tăng trưởng bền vững mãi mãi sẽ giúp bạn luôn là người chiến thắng. Trong thực tế thì không có hoặc chưa có một công ty nào là tăng trưởng đều và bền vững mãi mãi, cá nhân các nhà đầu tư cũng không phải ai cũng có khả năng “chôn vốn” dài đến vậy. Chúng ta thường sẽ phải cơ cấu danh mục tại một số thời điểm, và biết đó là khi nào cũng quan trọng chẳng kém gì lựa chọn mua ban đầu. Nhiều người thường bán đi quá sớm những cổ phiếu xuất sắc trong khi lại kiên trì nắm giữ những khoản đầu tư kém hiệu quả.

Điều quan trọng là liên tục theo dõi các công ty bạn sở hữu, thay vì các cổ phiếu bạn sở hữu. Tốt hơn hết là bạn nên dành thời gian cập nhật tin tức về các công ty của bạn và các ngành mà chúng hoạt động hơn là nhìn vào giá cổ phiếu 20 lần một ngày.

Trước khi thảo luận khi nào bạn nên bán một cổ phiếu, tôi phải chỉ ra khi nào bạn không nên bán.

5.1. Khi nào KHÔNG nên bán cổ phiếu

Cổ phiếu đã giảm

Tự bản thân, biến động giá cổ phiếu không truyền tải thông tin hữu ích nào, đặc biệt là vì giá có thể di chuyển theo mọi hướng trong ngắn hạn vì những lý do hoàn toàn không thể hiểu được. Hiệu suất dài hạn của cổ phiếu chủ yếu dựa trên dòng tiền dự kiến trong tương lai của các công ty gắn liền với nó – điều này không liên quan rất nhiều đến những gì cổ phiếu đã làm trong tuần hoặc tháng qua.

Luôn ghi nhớ rằng cổ phiếu đã biến động thế nào kể từ khi bạn mua nó không quan trọng. Bạn không thể làm gì để thay đổi quá khứ và thị trường không quan tâm đến việc bạn kiếm được hay mất tiền trên cổ phiếu. Triển vọng của doanh nghiệp mới là điều bạn cần quan tâm để đưa ra quyết định bán hay không.

Cổ phiếu đã tăng vọt

Một lần nữa, đừng chỉ nhìn vào những gì doanh nghiệp đã làm, điều quan trọng là bạn mong đợi công ty sẽ làm như thế nào trong tương lai. Nếu tương lai vẫn sáng sủa và định giá sẽ còn tốt dần lên thì tại sao chúng ta phải bán? Không có lý do ưu tiên nào khiến các cổ phiếu đang tăng giá phải giảm, cũng như không có lý do gì để các cổ phiếu đã giảm giá “cuối cùng phải quay trở lại”.

Vậy bạn nên bán khi nào? Hãy lướt qua năm câu hỏi này bất cứ khi nào bạn nghĩ về việc bán một cổ phiếu:

5.2. Khi nào NÊN bán cổ phiếu

Bạn đã mắc sai lầm?

Bạn đã bỏ lỡ điều gì khi lần đầu tiên đánh giá công ty? Có lẽ bạn đã nghĩ rằng quản lý sẽ có thể tạo ra sự thay đổi, nhưng nhiệm vụ này hóa ra khó hơn bạn (và họ) nghĩ. Hoặc có thể bạn đánh giá thấp sức mạnh của đối thủ đang cạnh tranh với công ty hoặc đánh giá quá cao khả năng tiềm ẩn của nó để tìm kiếm cơ hội phát triển mới. Không quan trọng vấn đề là gì, không đáng để giữ một cổ phiếu bạn đã mua vì một lý do không còn giá trị. Nếu phân tích ban đầu của bạn là sai, hãy cắt lỗ, giảm thuế và tiếp tục “làm bài tập”.

Các yếu tố nền tảng của doanh nghiệp đang bị suy giảm?

Sau vài năm thành công, công ty phát triển như vũ bão mà bạn mua đang bắt đầu chậm lại. Tiền mặt ngày càng tăng khi công ty gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới, những đối thủ của họ, với những công nghệ hoặc cách làm mới đang thu hẹp con hào. Có vẻ như đã đến lúc đánh giá lại triển vọng tương lai của doanh nghiệp. Nếu chúng tệ hơn đáng kể so với trước đây, thì đã đến lúc bán.

Cổ phiếu có đang tăng nóng và vượt quá giá trị nội tại của nó không?

Ngài thị trường đôi khi thức dậy với tâm trạng cực kỳ tốt và đề nghị trả cho bạn một mức giá vượt xa những gì bạn đầu tư thực sự đáng giá. Không có lý do gì để không tận dụng những cơ hội có một không hai này. Hãy tự hỏi bản thân xem thị trường sẵn sàng trả cho bạn bao nhiêu so với ước tính của bạn về giá trị của cổ phiếu và khả năng ước tính của bạn về giá trị của nó có thể tăng lên theo thời gian là bao nhiêu. Bạn không muốn bán những công ty tuyệt vời chỉ vì chúng hơi đắt một chút bởi lẽ bán xong thì bạn sẽ phải nhận lại vốn và không tận dụng được lợi thế của lãi kép. Nhưng ngay cả những công ty vĩ đại nhất cũng nên được bán khi cổ phiếu của họ đang được giao dịch ở giá quá cao.

Có điều gì tốt hơn bạn có thể làm với tiền của mình không?

Là một nhà đầu tư, bạn nên luôn tìm cách phân bổ tiền của mình vào những tài sản có khả năng tạo ra lợi tức cao nhất so với rủi ro của chúng. Không có gì phải xấu hổ khi bán một khoản đầu tư kể cả là khi đang ở dưới giá trị nội tại của nó nhưng kém hiệu quả – thậm chí là khoản đầu tư mà bạn đang thua lỗ – để giải phóng tiền chuẩn bị cho việc mua một cổ phiếu có triển vọng tốt hơn.

Bạn có nắm giữ một cổ phiếu với tỷ trọng quá lớn không?

Thật tốt nếu bạn chọn một vài cổ phiếu và chúng đang thể hiện tốt. Nhưng hãy nhớ là đừng để lòng tham cản trở cách quản lý danh mục đầu tư an toàn và thông minh. Nếu một khoản đầu tư chiếm hơn 50 phần trăm danh mục đầu tư của bạn, thì đã đến lúc phải suy nghĩ về việc cắt giảm khoản đầu tư đó cho dù triển vọng của công ty có vững chắc đến đâu.


Trên đây là những nguyên tắc hình thành nên triết lý đầu tư của tôi và nó đang ngày càng chứng minh tính đúng đắn của mình. Tôi chúc bạn thu lượm được những thông tin hữu ích giúp việc đầu tư của mình tốt hơn. Và nếu có ý kiến phản biện hay bổ sung nào, hãy cho tôi biết ở phần bình luận bên dưới nhé.

Cảm ơn bạn!


Thẻ:Triết lý

Chia sẻ:

Đăng ký nhận tin tức

Luôn cập nhật những bài viết mới nhất, các tài liệu từ tôi.